Thị trường vật liệu xây không nung: Còn lắm gian nan

Tòa nhà Keangnam cao 70 tầng sừng sững tại đường Phạm Hùng (Hà Nội) thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài chiều cao của nó. Nhưng thực tế sự khác biệt nằm ngay trong từng viên gạch. Đó là một vật liệu mới: Gạch không nung.

Điều đáng nói là, được mệnh danh là vật liệu xây của tương lai, thay thế dần gạch đỏ, ngói hồng là những vật liệu đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam bao đời, nhưng đến nay dòng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường này vẫn chưa có được vị trí vững chắc trên thị trường..

Bức tranh sáng dần

Dạo qua các điểm xây dựng nóng ở Hà Nội hiện nay như Quốc lộ 32, dọc trục cầu Thăng Long, đường Lê Văn Lương kéo dài..., có thể dễ dàng nhận ra hầu hết các công trình tại đây đều được phủ kín bằng gạch không nung. Loại vật liệu xây dựng này có nhiều tính năng ưu việt như cách âm, cách nhiệt tốt, tận dụng được phế thải của ngành công nghiệp nhiệt điện, thân thiện với môi trường...

Tuy nhiên, giống như tất cả các loại sản phẩm khác khi mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường, gạch không nung cũng không tránh khỏi tâm lý dè chừng, nghi hoặc của khách hàng.

Ông Lê Hoàn An, Giám đốc Cty CP Gạch Khang Minh (Phủ Lý – Hà Nam), một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu (gạch Block) lớn nhất hiện nay cho biết: "Khoảng hơn hai năm trước, đại bộ phận các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước cũng như giới kiến trúc sư, các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) đều chưa biết gì về gạch không nung. Thậm chí, họ còn không phân biệt được các loại gạch không nung".

Theo TS Trần Văn Huynh – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, gạch không nung có ba chủng loại chính gồm: Gạch Block; gạch bê tông khí chưng áp AAC và gạch bê tông bọt. Ngoài ra là một số loại vật liệu xây không nung khác nhưng số lượng không đáng kể.

Tuy khác nhau về thành phần nguyên liệu cũng như cách thức sản xuất, nhưng các loại sản phẩm này đều có chung những ưu điểm như giảm giá thành từ 6-8%; đẩy nhanh tiến độ xây dựng; giảm chi phí kết cấu nền móng; tiết kiệm năng lượng...

Mỗi dòng sản phẩm không nung có những ưu thế riêng. Ví như gạch AAC hay bê tông bọt do có khối lượng nhẹ nên giúp làm giảm chi phí cho kết cấu nền móng, kết cấu khung dầm. Trong khi đó, gạch Block lại "ăn điểm" nhờ những lợi thế riêng như cường độ chịu lực cao, gần gũi với người sử dụng vì dùng vữa xây trát thông thường, giá thành rẻ hơn từ 10-20% so với gạch nung...

"Điều đáng mừng là sau khi hàng loạt các công trình do người nước ngoài làm chủ đầu tư như khách sạn Horison; Opera; Grand Plaza; Hilton; Crown Plaza... dùng gạch không nung thì gần đây, nhiều chủ đầu tư người Việt đã bắt đầu sử dụng sản phẩm này cho các công trình, đô thị mới. Các khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora, Ecopark, Vincom Village, Dolphin Plaza, Tổ hợp tòa nhà The Pride, Khu văn phòng và nhà ở cao cấp Vinaconex1... là những ví dụ tiêu biểu", ông Huynh phấn khởi cho biết.

Sau gần 2 năm triển khai Chương trình 567 phát triển gạch không nung của Thủ tướng Chính phủ, theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước riêng gạch Block đã có hơn 1.000 dây chuyền công suất dưới 7 triệu viên/năm và trên 50 dây chuyền có công suất từ 7 đến 40 triệu viên/năm với tổng mức đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng; gạch AAC toàn quốc có 22 doanh nghiệp (DN) lập dự án đầu tư, trong đó 9 nhà máy đã đi vào sản xuất, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng; gạch bê tông bọt cũng có tới 17 dây chuyền với tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng...

Có nhiều tính năng ưu việt, gạch không nung đã qua bước khởi đầu nan để dần chinh phục người sử dụng. Bên cạnh số lượng các công trình xây bằng gạch không nung ngày càng nhiều, chuyển biến tích cực của thị trường sản phẩm này còn biểu hiện qua sự nở rộ của nhà sản xuất, các Cty thương mại, đại lý phân phối sản phẩm. Có thể điểm qua những nhà sản xuất lớn trên thị trường gạch không nung hiện nay như Cty CP bê tông khí Viglacera, Cty CP Sông Đà Cao Cường, Cty CP Gạch Khang Minh, Cty CP Tập đoàn Phát triển Đoàn Minh Công...

Tại sao sức tiêu thụ vẫn kém?

Theo ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), mặc dù Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách khuyến khích, các DN sự chủ động, tích cực đầu tư, tuy nhiên cho đến nay, việc tiêu thụ gạch không nung đang bộc lộ nhiều bất cập.

"Sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung không những giúp chúng ta gìn giữ đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn góp phần quan trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Đề nghị lãnh đạo sở xây dựng các địa phương tăng cường và chủ động tham mưu cho UBND tỉnh quyết liệt xóa bỏ lò gạch thủ công theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đặt ra".
(Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam)
P.H

Đầu tiên là sự phát triển không đồng đều trong thị trường này. Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, gạch không nung Block, nhờ chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, đang tiêu thụ rất tốt với sản lượng bán ra đạt khoảng 85-90% lượng sản xuất. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ gạch nhẹ, đặc biệt là gạch AAC còn hạn chế, chỉ tiêu thụ được 50-60% sản lượng do giá thành cao hơn gạch đất sét nung khoảng 20-25%. Một số DN thậm chí đã phải đóng cửa. Với 17 nhà máy sản xuất gạch bê tông bọt tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Còn ông Đoàn Văn Vẽ - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Phát triển Đoàn Minh Công cho rằng, một trong những nguyên nhân là do đại bộ phận người dân vẫn còn e ngại do chưa hiểu đúng và chưa tin tính năng, tác dụng của gạch không nung.

Giá thành cũng là một yếu tố cản trở. Gạch đất nung vẫn đang phát triển khó kiểm soát, giá thành nguyên liệu rẻ vì không bị đánh thuế tài nguyên, tiền mua đất nguyên liệu rẻ... Hiện chỉ có một số loại gạch Block kích thước lớn, lỗ rỗng mới có ưu thế về giá, các loại gạch Block đặc và đặc biệt là gạch nhẹ thì giá thành vẫn cao hơn gạch đất nung.

Một nguyên nhân khác là do DN còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời đúng vào lúc nền kinh tế khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng..., do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn nhiều dẫn tới sản xuất bị ngừng trệ. "Đó là chưa nói đến khả năng tiếp cận vốn của DN cũng rất khó khăn đã đẩy giá thành sản xuất gạch AAC hiện cao hơn gạch đất sét nung từ 20-25% cũng là rào cản khiến người dân không mặn mà với sản phẩm mới này", ông Đỗ Quốc Thái - Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng An Thái cho biết.

Bên cạnh đó, một điều mà tất cả các nhà sản xuất VLXD không nung, đặc biệt là gạch AAC, lo ngại là dù đã có định mức xây dựng, nhưng Nhà nước chưa có chế tài cụ thể đối những loại công trình phải dùng vật liệu thân thiện môi trường. Do đó dẫn tới tình trạng các công trình áp dụng theo tiêu chuẩn này chủ yếu thuộc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn các công trình vốn ngân sách Nhà nước chưa sử dụng nhiều.

Chưa kể đến việc một số địa phương còn chưa hề quan tâm đến gạch không nung, lò gạch thủ công ngày đêm vẫn nghi ngút khói mà Thọ Xuân, Thanh Hóa là ví dụ... Và khi chưa xử lý được các vướng mắc này thì mục tiêu xã hội hóa gạch không nung, tiến tới năm 2020 tỉ lệ sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đạt 30-40% theo đúng lộ trình của Quyết định 567/QĐ-TTg còn khó khăn!

Phạm Huệ

Báo Lao Động