Đoàn thanh niên Viện Vật liệu xây dựng tham gia Chương trình Sáng tạo Việt

Nhận được thư mời của Ban tổ chức Chương trình "Sáng tạo Việt", được phát sóng vào lúc 9h sáng chủ nhật hàng tuần trên VTV3, Đoàn Thanh niên Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) đã thành lập ba đội chơi tham gia chương trình và ghi hình vào hai ngày 17-18/7/2012 tại Nhà Văn hoá Quận Thanh Xuân – Hà Nội với ba chủ đề:

Chủ đề thứ nhất: Giải pháp công nghệ giúp tăng độ bền và hiệu quả sử dụng của các vật liệu dễ vỡ. Cùng tham gia với đội chơi của Viện VLXD là đội chơi đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ý tưởng của đội chơi Viện VLXD là chế tạo thủy tinh kim loại có đặc điểm tính chất: Trong suốt, độ cứng cao và có biến dạng dẻo như kim loại thay vì biến dạng nứt vỡ như thủy tinh thông thường.

Cơ sở lý thuyết của phương pháp chế tạo thủy tinh kim loại là bất kể một chất lỏng nóng chảy nào cũng có khả năng tạo thành thủy tinh nếu được làm lạnh với một tốc độ đủ nhanh. Hỗn hợp kim loại được nấu nóng chảy ở nhiệt độ cao sau đó lưu Hợp kim của kim loại gồm Titan (Ti), Zirconium (Zr), Niobium (Nb), đồng (Cu) và Beryllium (Be) nấu nóng chảy và giữ ở nhiệt độ 800 0C và 900 0C, "các tinh thể nhánh cây" của Ti, Zr và Nb bắt đầu mọc ra tới kích thước lớn. Và trong quá trình mọc, Be và Cu không đóng vai trò tạo các "tinh thể nhánh cây".

Kết thúc cuộc chơi về chủ đề này đội Viện VLXD dành 6.100 điểm, xếp thứ hai.

Chủ đề thứ hai: Phương pháp xử lý khí thải công nghiệp hiệu quả, bảo vệ môi trường. Cùng tham gia với đội chơi của Viện VLXD là đội chơi đến từ Công ty Urenco10.

Ý tưởng của đội chơi Viện VLXD là "Ứng dụng đá vôi xử lý SO2 trong khói lò". Đó là sử dụng hệ thống bơm áp lực để bơm trực tiếp dung dịch chứa chất hấp phụ vào tháp hấp phụ hoặc đường dẫn khói thải.

- Quá trình chuyển khối xảy ra trong thiết bị nhờ vào nhiệt độ và hơi nước.

- Dung dịch được tuần hoàn tới khi toàn bộ CaCO3 chuyển hóa thành CaSO4.

- Tự động rút dung dịch đã chuyển hóa thành CaSO4 và bổ sung dung dịch mới bằng hệ thống định lượng tự động theo tỷ trọng.

Việc sử dụng đá vôi xử lý SO2 trong khói lò là hợp lý. Đối với các doanh nghiệp cụ thể, có thể áp dụng các phương pháp khác nhau để thực hiện. Viện VLXD sẵn sàng tư vấn, hợp tác với các doanh nghiệp để thực hiện, triển khai.

Kết thúc cuộc chơi về chủ đề này đội Viện VLXD về nhất với 5.550 điểm.

Chủ đề thứ ba: Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới nhằm hạn chế, thay thế các vật liệu xây dựng độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Cùng tham gia với đội chơi của Viện VLXD là đội chơi đến từ trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.

Đội chơi của Viện VLXD đã trình bày ý tưởng sáng tạo với tiêu đề: "Chế tạo sơn chống ăn mòn thân thiện với môi trường".

Hiện nay, để bảo vệ cho các kết cấu thép khỏi bị ăn mòn, vật liệu phủ thường dùng là các loại sơn dung môi hữu cơ như: sơn Alkyd, sơn Epoxy, sơn PolyUrethan,...

Đặc điểm cơ bản của những loại sơn dung môi hợp chất hữu cơ này là: Không thân thiện với môi trường do các dung môi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, không bền ở nhiệt độ cao, giá thành đắt.

Để khắc phục những nhược điểm trên của loại sơn dung môi hữu cơ này, loại sơn không sử dụng dung môi hữu cơ đang được tập trung nghiên cứu đó là hệ sơn Silicat giàu kẽm dung môi nước, có ưu điểm:

- Là loại sơn thân thiện với môi trường do sử dụng dung môi là nước.

- Nguyên liệu sản xuất có sẵn ở trong nước.

- Thi công dễ dàng.

- Có độ bám dính tốt với nền kim loại.

- Độ bền nhiệt cao.

- Tạo màng trơ với những môi trường khắc nghiệt: môi trường nước biển, môi trường hóa chất.

- Dây chuyền công nghệ sản xuất đơn giản.

- Giá thành sản phẩm hợp lý.

Kết thúc cuộc chơi về chủ đề này đội Viện VLXD về nhất với 5.900 điểm.

Một số hình ảnh tại buổi ghi hình:

Trung tâm ISIC

Nguồn: VIBM